Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016

40 tấn cá chết "đi đâu" trong vụ các chết ở biển miền Trung

Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) thống kê được khoảng trên 40 tấn cá, tôm, hải sản các loại chết từ vùng biển Hà Tĩnh – Thừa Thiên-Huế. Quảng Trị là địa phương có số lượng hải sản chết nhiều nhất (trên 30 tấn). Việc quản lý số lượng hải sản bị chết này được thực hiện như thế nào? Liệu số cá chết này có bị “đưa lên bàn ăn” bởi những người dân thiếu hiểu biết hoặc… tham lợi nhỏ?



40 tấn cá chết được xử lý thế nào?

 Cục trưởng Cục Nuôi trồng thủy sản – Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) – ông Như Văn Cẩn cho biết: 40 tấn cá chết chỉ là phép tính chưa đầy đủ, chỉ tính số lượng cá chết và nổi trên mặt nước, dạt vào bờ, chưa tính số cá chết có khả năng đã chìm dưới biển. Như vậy, số lượng cá chết sẽ hơn 40 tấn. Hiện tại, Bộ NNPTNT đã giao các tỉnh có cá bị chết hàng loạt thống kê, báo cáo về bộ.

Ông Võ Văn Hưng – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị nói: Vì đặc điểm địa hình tại vùng biển ở đây, có rặng san hô và bãi đá ngầm, nên lượng cá tập trung ở vùng nhiều hơn khu vực khác. Vì vậy, khi gặp điều kiện bất thường, lượng cá chết tập trung tại khu vực này cũng nhiều hơn.

Ông Hưng cho biết thêm, trong những ngày đầu, khi thấy hiện tượng cá chết rải rác dạt vào bờ, người dân ven biển không hiểu nên đã lấy về sử dụng. Sau đó, thấy hiện tượng cá chết nhiều bất thường, được chính quyền và Sở NNPTNT tỉnh khuyến cáo nên người dân không sử dụng chế biến thành thức ăn. Ngày 21.4.2016, sau khi nhận được khuyến cáo của Bộ NNPTNT, Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với chính quyền địa phương huy động nhân dân thu gom, tiêu hủy bằng cách rắc vôi bột chôn để đảm bảo vệ sinh. Lực lượng chức năng của tỉnh nhà cũng tăng cường kiểm tra, giám sát để người dân không “tiếc của” hoặc “nảy lòng tham” đào trộm cá chết để tiêu thụ hoặc cấp đông chờ dư luận dịu xuống sẽ chế biến thành nước mắm, mắm tôm tiêu thụ ra thị trường.

Thời gian đầu ở Thừa Thiên – Huế, do số lượng cá tự nhiên ngoài biển chết không nhiều, lại chưa hiểu nguyên nhân nên những ngày đầu người dân cũng lấy cá về ăn. Ngoài cá tự nhiên, cá lồng do dân nuôi cũng chết. Trong đó có 3.600 con cá con, 6.000 con cá bớp có trọng lượng từ 0,5-3kg. Các chủ lồng tiếc của đã lấy ăn. Sau đó, lo ngại trước hiện tượng bất thường nên người dân không sử dụng nữa. Sở NNPTNT tỉnh Thừa Thiên – Huế đã hướng dẫn người dân tiêu hủy cá chết bằng cách chôn với vôi bột để khử trùng.

Tại Hà Tĩnh, người dân cũng chỉ ăn cá do những ngày đầu, nhưng sau khi thấy hiện tượng bất thường, chẳng ai dám vớt cá về chế biến thực phẩm.

Chặn tiêu thụ sản phẩm từ cá chết ra thị trường?

Trước việc cá chết hàng loạt, Bộ NNPTNT đã có văn bản chỉ đạo các tỉnh nghiêm cấm sử dụng cá chết làm thực phẩm dưới mọi hình thức; khẩn trương tổ chức thu gom cá chết và tiêu hủy theo quy định để hạn chế ô nhiễm môi trường; yêu cầu người dân không thu gom cá chết để tiêu thụ trên thị trường gây ảnh hưởng đến vệ sinh an toàn thực phẩm.


Bộ NNPTNT cũng đã cử cán bộ có chuyên môn liên quan phối hợp với các đoàn công tác của Bộ NNPTNT phối hợp với cơ quan Trung ương lấy mẫu, xét nghiệm, xác định nguyên nhân cá chết, đề xuất các biện pháp khắc phục và thông báo kịp thời để người dân biết; thống kê, báo cáo tình hình hải sản bị thiệt hại, thu gom, xử lý, trong đó có số lượng thủy sản nuôi bị thiệt hại; tạm thời chưa thả giống, không lấy nước vào bè nuôi, ao đầm nuôi ven biển vùng bị thiệt hại trong khi chờ xác định nguyên nhân…

Đại diện Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49) – Bộ Công an cho biết: C49 đang tăng cường điều tra, trinh sát để ngăn chặn tình trạng lén lút vận chuyển, buôn bán, chế biến số lượng cá chết.

Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2016

Những điều lòng vòng mơ hồ về việc cá chết ở biển miền Trung

Mặc dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã khẳng định cá chết do yếu tố độc, nhưng là độc gì, do đâu thì “phải cần thời gian mới làm rõ nguyên nhân”.

Cuộc họp mổ xẻ về tình trạng cá chết hàng loạt vừa qua ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế được tổ chức tại UBND tỉnh Hà Tĩnh và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì vào chiều 23-4.



Bộ đã khẳng định cá chết do yếu tố độc nhưng là độc gì, do đâu thì “phải cần thời gian mới làm rõ nguyên nhân”.

Tình trạng cá chết nhanh, tức thời đại diện các tỉnh đều cho rằng độc tố trong môi trường nước là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên.

Theo vụ trưởng Vụ Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản - bà Nguyễn Thị Phương Dung cho biết, cần phải tập trung điều tra vào các nhóm độc tố là độc sinh học (tảo) và độc vô cơ (hóa chất).

Còn ông Lê Đức Nhân - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Tĩnh - cho rằng độc tố khiến cá chết hàng loạt do con người gây ra.

Ông Lê Trần Hưng, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế, đưa ra câu hỏi tại sao cá chết hàng loạt lại xuất phát đầu tiên ở tỉnh Hà Tĩnh mà không ở tỉnh khác? Ông Long - chuyên gia của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản - đưa ra một thông tin: trong tự nhiên có một dòng chảy sát bờ theo hướng từ Hà Tĩnh - Thừa Thiên - Huế; hướng đối lưu về phía khơi xa là dòng chảy từ Huế đến vịnh Bắc bộ. Ông Long nhận định: “Nếu độc tố xuất hiện trong các dòng chảy này thì tình hình sẽ còn phức tạp”.

Người chủ trì cuộc họp - ông Vũ Văn Tám - thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thừa nhận cá chết ở các tỉnh miền Trung là một hiện tượng bất thường, lần đầu xuất hiện nhưng lại diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân.

“Tôi khẳng định đây là vấn đề mới và khó. Đến nay chúng ta chưa tìm ra nguyên nhân chính xác, cần phải có thời gian làm rõ” - ông Tám nói.

Tuy chưa chỉ ra được nguyên nhân cá chết nhưng theo ông Vũ Văn Tám, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn “đã làm hết trách nhiệm” nhờ bộ đã loại bỏ nguyên nhân cá chết do yếu tố dịch bệnh, môi trường.

Theo ông, bây giờ điều cần làm rõ là chất độc nào làm cá chết: độc tố do tảo độc sinh học hay độc tố hóa học, các yếu tố kim loại nặng khác.

Trả lời câu hỏi: “đã làm hết trách nhiệm nhưng vẫn chưa xác định được nguyên nhân cá chết, như vậy đánh giá như thế nào về năng lực quản lý, chuyên môn của bộ thông qua việc cử các đoàn chuyên gia được biệt phái khảo sát về tình trạng này?”, ông Vũ Văn Tám cho rằng: “Chúng tôi đã đưa ra được nguyên nhân ban đầu cá chết không có tác nhân của dịch bệnh, cá chết do có yếu tố độc trong môi trường nước”. Vậy “yếu tố độc đó là gì?”, ông Tám nói: “Cái này cần có thời gian nghiên cứu, khi đủ căn cứ sẽ công bố”.

Vẫn những điều lòng vòng mơ hồ

Theo một văn bản báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, Formosa đã có một số vi phạm trong việc thực hiện súc rửa đường ống theo phát hiện của Tổng cục Môi trường, nhưng Formosa khẳng định chất thải vẫn đảm bảo tiêu chuẩn.

Trước câu hỏi về việc các thông số quan trắc có gì bất thường trong thời gian cá chết hàng loạt hay không, ông Võ Tá Đinh - giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh (đơn vị trực tiếp quản lý hệ thống quan trắc tự động của dự án Formosa) - cho biết Bộ Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ công bố kết quả quan trắc này.

“Việc công bố kết quả quan trắc của dự án này sẽ được thực hiện khi chúng tôi lấy được kết quả quan trắc của cả Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng và dự án Formosa để phân tích” - ông Đinh nói.



Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2016

Phong trào trữ nước ngọt ở Bến Tre

Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bến Tre khóa X được tổ chức vào ngày 5/4 để sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết Tỉnh ủy qúy I và phương hướng, nhiệm vụ qúy II/2016. Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo đề nghị các cấp ủy và đoàn thể mở đợt tuyên truyền, phát động phong trào Đồng khởi trữ nước ngọt trong dân nhằm phục vụ sản xuất, chăn nuôi và sinh hoạt trước mắt cũng như lâu dài.


Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre nhấn mạnh, hiện toàn tỉnh có hơn 600 ngàn hội viên, chiếm gần 50% dân số tỉnh Bến Tre. Do đó, việc tuyên truyền, kêu gọi người dân bảo vệ nguồn nước, trữ nước ngọt trong mùa mưa, sử dụng nước tiết kiệm… là rất thuận lợi.

Từ mùa mưa năm 2016 Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre kêu gọi, người dân trong tỉnh đều phải có ý thức trữ nước ngọt. Người làm ruộng, trồng cây ăn trái, chăn nuôi gia súc, gia cầm phải khép kín kênh rạch nội đồng, mương vườn. Riêng nước sinh hoạt, người dân cố gắng trữ được nước ngọt (nước mưa, nước sông, đào giếng tầng nông…) đủ dùng để phục vụ sinh hoạt suốt thời gian hạn mặn. Việc trữ nước ngọt phải bằng mọi cách như dùng lu, hồ xi-măng, túi nhựa…

Tình hình hạn mặn năm nay ảnh hưởng và gây thiệt hại nghiêm trọng với 15 nghìn ha lúa đông xuân thiệt hại hoàn toàn; 8.550 ha cây ăn trái giảm năng suất, sản lượng; 1.320 ha hoa màu bị chết, mất trắng; trên 98 nghìn hộ dân với khoảng 400 nghìn người thiếu nước ngọt sinh hoạt trầm trọng. Giá nước ngọt chưa xử lý từ 80 – 100 nghìn đồng/m3, thậm chí có nơi tới 200 nghìn đồng/m3.

Thứ Tư, 20 tháng 4, 2016

Thiếu nước trầm trọng ở Cà Mau

Có khoảng 6.000 hộ dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang đứng trước nguy cơ thiếu nước trầm trọng, 10.000 ha đất lúa – tôm không còn nước để tiếp tục sản xuất.



Cây ăn trái không có nước tưới, có tới 3.000 ha trong tổng số 7.000 ha hoa màu thất trắng và trên 35.000 ha tràm hoàn toàn khô nước trong tổng số 45.000 ha đất rừng tràm cạn kiệt. Điều này gây ảnh hưởng không tốt tới đời sống sinh hoạt, sức khỏe của người dân, nhất là khu vực nông thôn.


Chính quyền địa phương đang khẩn trương huy động tối đa hoạt động của các nhà máy nước tại trung tâm xã; hình thành các đội thanh niên tình nguyện chở nước về tận nơi cung cấp cho người dân; khuyến khích, động viên những hộ có giếng chia sẻ nước cho những hộ đang thiếu; tuyên truyền, vận động người dân thời điểm này không sử dụng nước để tưới tiêu mà ưu tiên dành cho sinh hoạt để khắc phục tình trạng trên. Mục tiêu đặt ra là không để trên 6.000 hộ dân nông thôn phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt.


Ở các vùng sản xuất, nơi nào còn nước thì sử dụng máy bơm bơm nước cứu lúa, hoa mầu, cây ăn trái. Riêng đối với rừng tràm U Minh Hạ thì huy động lực lượng tại chỗ vệ sinh toàn bộ các con kênh trong lâm phần để khai thông luồng để có nước chữa cháy rừng khi xảy ra cháy.

Theo dự báo, tình hình hạn hán vẫn tiếp tục, vì vậy tiết kiệm nước phải đi đôi với giải pháp sử dụng hợp lý nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt của người dân. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền các cấp tỉnh Cà Mau.

Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2016

Có hệ thống xử lý nước thải nhưng vẫn xả thải ra ngoài

Công ty xả nước thải trực tiếp ra môi trường trong khi đã có một hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn.
Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Bình Dương cho biết,  vừa phát hiện chi nhánh Công ty TNHH Phong Sơn chuyên chế biến các sản phẩm từ ong (khu phố Khánh Lợi, phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) đã xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường vào ngày 15-4 vừa qua.



Khi lực lượng công an tiến hành kiểm tra đã phát hiện xung quanh khuôn viên chi nhánh công ty còn để rất nhiều thùng phi sắt, can nhựa đã qua sử dụng ở ngoài trời, không lưu kho theo đúng quy định. Ngoài ra, phía sau công ty có một hố lớn chứa chất thải chưa qua xử lý.

Điều đáng nói hơn là chi nhánh công ty này có hệ thống xử lý nước thải nhưng một phần nước thải được xả ra trực tiếp ra môi trường qua một đường ống khác. Tại thời điểm kiểm tra, chủ chi nhánh Công ty TNHH Phong Sơn chưa cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý về môi trường cho đoàn kiểm tra.

Hiện cơ quan công an đang tiếp tục điều tra xử lý.