Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2016

Giữ lúa hay cần đập thủy điện

Cần phải đánh giá kỹ việc gây ngập cho các địa phương hai bên sông khi tiến hành dự án khi xây dựng đập thủy điện trên sông Hồng. Đáng quan tâm nhất là việc dự án có thể làm mất vựa lúa ở đồng bằng sông Hồng.



Mới xin chủ trương đầu tư

Vụ trưởng Vụ Thẩm định giám sát đầu tư (Bộ KH-ĐT), ông Nguyễn Xuân Tự - xác nhận Công ty TNHH Xuân Thiện đã đề xuất và Bộ KH-ĐT đã trình Thủ tướng xin chủ trương đầu tư. Theo ông Tự, xin chủ trương đầu tư là bước ban đầu, chưa phải là báo cáo tiền khả thi, báo cáo khả thi. Thực tế chủ đầu tư có đề xuất nhiều phương án, như làm 3, 5 và 7 bậc với các đập và âu tàu. Tuy nhiên, chủ đầu tư chưa giải trình được tại sao là 3 đập, tại sao là 7 bậc. Vì vậy, trong báo cáo, Bộ KH-ĐT cũng đã nêu rõ sẽ cần phải tiếp tục làm rõ nhiều vấn đề.

Ông Nguyễn Xuân Tự cho biết ý kiến đánh giá các bộ ngành gửi về đều không quá lo ngại, bởi đây là các đập thủy điện ở mực nước thấp, là những âu tàu chứ không phải đập cao như Hòa Bình, Sơn La.

Các đập sẽ nâng nước lên cao theo từng bậc nên đã có nhiều ý kiến ủng hộ. Tất nhiên, ông Tự công nhận để làm các đập thủy điện trên sông Hồng sẽ không đơn giản và sẽ phải đánh giá rất kỹ việc gây ngập cho các địa phương hai bên sông khi tiến hành dự án.

Chủ đầu tư: các bộ ngành đã đồng ý

Phó giám đốc Công ty TNHH Xuân Thiện,  ông Nguyễn Huy Hoàng - khẳng định dự án đã được Thủ tướng cho phép thẩm định, các bộ ngành liên quan đã đồng ý, hiện chỉ chờ Thủ tướng ký quyết định phê duyệt. Ông Hoàng nói: “Các bộ ngành đã đồng ý gồm các bộ Công thương, GTVT, NN&PTNT, Quốc phòng, KH-ĐT, EVN, còn các địa phương Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ đều ủng hộ cao”.

Theo ông Hoàng, nếu Thủ tướng phê duyệt ngay thì cuối năm 2016 dự án có thể bắt đầu triển khai được.  “Quy hoạch này có từ năm 2000, ban đầu Nhà nước phê duyệt vốn ngân sách, nhưng sau đó do khó khăn nên không đưa vào mà khuyến khích xã hội hóa. Hiện mọi điều kiện của chúng tôi đã sẵn sàng, vốn cũng là của doanh nghiệp hoàn toàn, không hề dùng vốn ngân sách” 

Ông Hoàng cho hay dự án dự kiến triển khai làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ 2016-2019, giai đoạn 2 từ 2019-2022.

Theo vị lãnh đạo doanh nghiệp, dự án đặt kỳ vọng rất lớn nhằm biến dòng sông vốn là sông “chết” hồi sinh, khôi phục cảnh quan đẹp, vừa giúp thông thương đường thủy, giảm tai nạn và giảm tải cho giao thông đường bộ, vừa giúp thủy lợi vừa cung cấp điện...

Liên quan tới công tác giải phóng mặt bằng, ông Hoàng khẳng định do đặc thù địa hình dốc nên chủ đầu tư chỉ nạo vét ghềnh đá hoặc bãi bồi giữa sông, ngoài ra hồ chứa cũng được tận dụng các vách núi để thi công nên không ảnh hưởng nhiều tới môi trường hay xâm phạm đất canh tác của người dân.

“Không mất đất lúa của dân mà còn cung cấp nguồn nước dự trữ phục vụ tưới tiêu, môi trường thì cũng không ảnh hưởng gì nhiều” - ông Hoàng nói.

Liên quan tới ý kiến của Bộ Tài chính cho rằng đối với dự án có tổng mức đầu tư lớn như trên, nếu Công ty TNHH Xuân Thiện muốn vay được 70% vốn thương mại thì buộc phải có vốn điều lệ lên tới 7.300 tỉ đồng, trong khi hiện nay vốn điều lệ của công ty chỉ 1.200 tỉ, ông Hoàng nói công ty có nhiều giải pháp để xử lý: “Chúng tôi có rất nhiều lựa chọn, như tăng vốn điều lệ lên, hợp tác đầu tư với đối tác khác, hoặc lựa chọn hình thức tín dụng nhà thầu (cho các nhà thầu tham gia góp vốn bằng máy móc, thiết bị)...”.

Ngoài ra ông Hoàng cho rằng do dự án chia làm nhiều giai đoạn nên chủ đầu tư cũng có thể xoay vòng, lấy nguồn thu giai đoạn đầu tái đầu tư cho giai đoạn tiếp theo...

Nước biển sậm màu bất thường ở Hà Tĩnh

Hôm nay ngày 6-5, ngư dân ở biển Kỳ Xuân, Hà Tĩnh đã phát hiện vệt nước sậm màu khác thường kéo dài hàng cây số và báo với cơ quan chức năng để tiến hành lấy mẫu.



Khi ra biển câu cá vào sáng ngày 6-5, một số ngư dân tại xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh có phát hiện một vệt nước màu sẫm cách bờ vài km.

Bác Nguyễn Đức Hánh - thôn Xuân Thắng, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh cho biết khoảng 7g sáng nay khi đi ra biển đi câu thì phát hiện một vệt màu sẫm khác thường kéo dài hàng cây số.

Phó chủ tịch UBND xã Kỳ Xuân, ông Dương Xuân Sáu xác nhận đúng là ngư dân có báo vụ việc như trên.

Ông Dương Tất Thắng - phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin từ ngư dân, các cơ quan chức năng gồm Trung tâm quan trắc môi trường - Tổng cục môi trường và lãnh đạo huyện Kỳ Anh đã điều tàu đi kiểm tra vệt nước.

“Đúng là có vệt nước có màu sẫm khác thường so với vùng nước biển xung quanh. Cơ quan chức năng đã lấy mẫu nước để kiểm định”, ông Thắng nói.

Theo một thành viên trong đoàn quan trắc, vệt nước màu đen sẫm nằm cách bờ vài km. Hiện các cơ quan năng vẫn đang thị sát khu vực này để tiếp tục kiểm tra làm rõ.

Được biết, khu vực biển Kỳ Xuân nằm cách Vũng Áng khoảng 20km về phía Bắc.

Thứ Năm, 5 tháng 5, 2016

6 thủy điện trên sông Hồng chỉ là dự kiến

Ngày 5/5, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ, liên quan đến vấn đề doanh nghiệp Xuân Thiện tại Ninh Bình có đề xuất xây dựng 6 công trình thủy điện trên sông Hồng khiến nhiều chuyên gia lo ngại, ông Nguyễn Xuân Tự, Vụ trưởng Vụ Giám sát và thẩm định đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đây mới chỉ là ý tưởng, đề xuất ban đầu, tuy nhiên, với nhận thức dự án quan trọng này có ảnh hưởng tới môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương liên quan.



Ông Nguyễn Xuân Tự nói: “Chúng tôi đã nhận được một số ý kiến có sự đồng thuận khá cao của các bộ, ngành, địa phương, nhưng đây mới chỉ ở mức báo cáo Thủ tướng cho phép chủ đầu tư tiếp tục nghiên cứu dự án. Muốn đầu tư dự án, còn phải qua ít nhất 2 bước nữa. Trước hết, là các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề xuất dự án. Sau khi phê duyệt đề xuất dự án xong, cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập báo cáo nghiên cứu khả thi và cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Khi đó nhà đầu tư mới được đầu tư.".

Ông Nguyễn Xuân Tự còn cho biết thêm, với các nhà đầu tư, chúng ta rất khuyến khích các đề xuất sáng kiến của họ, nhưng không có nghĩa một khi đề xuất là được lựa chọn làm nhà đầu tư. Quá trình lựa chọn nhà đầu tư phải qua quy định của Luật Đấu thầu, theo quy định của Nghị định 15 về PPP. Dự án chắc chắn này có tác động đến môi trường, nhưng ảnh hưởng như thế nào, trong quá trình thực hiện như nạo vét lòng sông, xây đập thủy điện, các âu tàu… thì phải có đánh giá tác động môi trường chi tiết và Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thẩm định báo cáo này.

Do dự án có thể ảnh hưởng nhiều đến Đồng bằng châu thổ sông Hồng nên theo ông Tự, cần tính rất kỹ vấn đề thủy văn, thủy lợi, vấn đề xói lở hai bờ sông ra sao, xây dựng những đập dâng nước ở vị trí nào, địa chất ra sao, vấn đề mua bán điện thế nào… tất cả những vấn đề đó còn bỏ ngỏ.

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016

40 tấn cá chết "đi đâu" trong vụ các chết ở biển miền Trung

Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) thống kê được khoảng trên 40 tấn cá, tôm, hải sản các loại chết từ vùng biển Hà Tĩnh – Thừa Thiên-Huế. Quảng Trị là địa phương có số lượng hải sản chết nhiều nhất (trên 30 tấn). Việc quản lý số lượng hải sản bị chết này được thực hiện như thế nào? Liệu số cá chết này có bị “đưa lên bàn ăn” bởi những người dân thiếu hiểu biết hoặc… tham lợi nhỏ?



40 tấn cá chết được xử lý thế nào?

 Cục trưởng Cục Nuôi trồng thủy sản – Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) – ông Như Văn Cẩn cho biết: 40 tấn cá chết chỉ là phép tính chưa đầy đủ, chỉ tính số lượng cá chết và nổi trên mặt nước, dạt vào bờ, chưa tính số cá chết có khả năng đã chìm dưới biển. Như vậy, số lượng cá chết sẽ hơn 40 tấn. Hiện tại, Bộ NNPTNT đã giao các tỉnh có cá bị chết hàng loạt thống kê, báo cáo về bộ.

Ông Võ Văn Hưng – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị nói: Vì đặc điểm địa hình tại vùng biển ở đây, có rặng san hô và bãi đá ngầm, nên lượng cá tập trung ở vùng nhiều hơn khu vực khác. Vì vậy, khi gặp điều kiện bất thường, lượng cá chết tập trung tại khu vực này cũng nhiều hơn.

Ông Hưng cho biết thêm, trong những ngày đầu, khi thấy hiện tượng cá chết rải rác dạt vào bờ, người dân ven biển không hiểu nên đã lấy về sử dụng. Sau đó, thấy hiện tượng cá chết nhiều bất thường, được chính quyền và Sở NNPTNT tỉnh khuyến cáo nên người dân không sử dụng chế biến thành thức ăn. Ngày 21.4.2016, sau khi nhận được khuyến cáo của Bộ NNPTNT, Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với chính quyền địa phương huy động nhân dân thu gom, tiêu hủy bằng cách rắc vôi bột chôn để đảm bảo vệ sinh. Lực lượng chức năng của tỉnh nhà cũng tăng cường kiểm tra, giám sát để người dân không “tiếc của” hoặc “nảy lòng tham” đào trộm cá chết để tiêu thụ hoặc cấp đông chờ dư luận dịu xuống sẽ chế biến thành nước mắm, mắm tôm tiêu thụ ra thị trường.

Thời gian đầu ở Thừa Thiên – Huế, do số lượng cá tự nhiên ngoài biển chết không nhiều, lại chưa hiểu nguyên nhân nên những ngày đầu người dân cũng lấy cá về ăn. Ngoài cá tự nhiên, cá lồng do dân nuôi cũng chết. Trong đó có 3.600 con cá con, 6.000 con cá bớp có trọng lượng từ 0,5-3kg. Các chủ lồng tiếc của đã lấy ăn. Sau đó, lo ngại trước hiện tượng bất thường nên người dân không sử dụng nữa. Sở NNPTNT tỉnh Thừa Thiên – Huế đã hướng dẫn người dân tiêu hủy cá chết bằng cách chôn với vôi bột để khử trùng.

Tại Hà Tĩnh, người dân cũng chỉ ăn cá do những ngày đầu, nhưng sau khi thấy hiện tượng bất thường, chẳng ai dám vớt cá về chế biến thực phẩm.

Chặn tiêu thụ sản phẩm từ cá chết ra thị trường?

Trước việc cá chết hàng loạt, Bộ NNPTNT đã có văn bản chỉ đạo các tỉnh nghiêm cấm sử dụng cá chết làm thực phẩm dưới mọi hình thức; khẩn trương tổ chức thu gom cá chết và tiêu hủy theo quy định để hạn chế ô nhiễm môi trường; yêu cầu người dân không thu gom cá chết để tiêu thụ trên thị trường gây ảnh hưởng đến vệ sinh an toàn thực phẩm.


Bộ NNPTNT cũng đã cử cán bộ có chuyên môn liên quan phối hợp với các đoàn công tác của Bộ NNPTNT phối hợp với cơ quan Trung ương lấy mẫu, xét nghiệm, xác định nguyên nhân cá chết, đề xuất các biện pháp khắc phục và thông báo kịp thời để người dân biết; thống kê, báo cáo tình hình hải sản bị thiệt hại, thu gom, xử lý, trong đó có số lượng thủy sản nuôi bị thiệt hại; tạm thời chưa thả giống, không lấy nước vào bè nuôi, ao đầm nuôi ven biển vùng bị thiệt hại trong khi chờ xác định nguyên nhân…

Đại diện Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49) – Bộ Công an cho biết: C49 đang tăng cường điều tra, trinh sát để ngăn chặn tình trạng lén lút vận chuyển, buôn bán, chế biến số lượng cá chết.

Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2016

Những điều lòng vòng mơ hồ về việc cá chết ở biển miền Trung

Mặc dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã khẳng định cá chết do yếu tố độc, nhưng là độc gì, do đâu thì “phải cần thời gian mới làm rõ nguyên nhân”.

Cuộc họp mổ xẻ về tình trạng cá chết hàng loạt vừa qua ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế được tổ chức tại UBND tỉnh Hà Tĩnh và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì vào chiều 23-4.



Bộ đã khẳng định cá chết do yếu tố độc nhưng là độc gì, do đâu thì “phải cần thời gian mới làm rõ nguyên nhân”.

Tình trạng cá chết nhanh, tức thời đại diện các tỉnh đều cho rằng độc tố trong môi trường nước là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên.

Theo vụ trưởng Vụ Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản - bà Nguyễn Thị Phương Dung cho biết, cần phải tập trung điều tra vào các nhóm độc tố là độc sinh học (tảo) và độc vô cơ (hóa chất).

Còn ông Lê Đức Nhân - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Tĩnh - cho rằng độc tố khiến cá chết hàng loạt do con người gây ra.

Ông Lê Trần Hưng, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế, đưa ra câu hỏi tại sao cá chết hàng loạt lại xuất phát đầu tiên ở tỉnh Hà Tĩnh mà không ở tỉnh khác? Ông Long - chuyên gia của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản - đưa ra một thông tin: trong tự nhiên có một dòng chảy sát bờ theo hướng từ Hà Tĩnh - Thừa Thiên - Huế; hướng đối lưu về phía khơi xa là dòng chảy từ Huế đến vịnh Bắc bộ. Ông Long nhận định: “Nếu độc tố xuất hiện trong các dòng chảy này thì tình hình sẽ còn phức tạp”.

Người chủ trì cuộc họp - ông Vũ Văn Tám - thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thừa nhận cá chết ở các tỉnh miền Trung là một hiện tượng bất thường, lần đầu xuất hiện nhưng lại diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân.

“Tôi khẳng định đây là vấn đề mới và khó. Đến nay chúng ta chưa tìm ra nguyên nhân chính xác, cần phải có thời gian làm rõ” - ông Tám nói.

Tuy chưa chỉ ra được nguyên nhân cá chết nhưng theo ông Vũ Văn Tám, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn “đã làm hết trách nhiệm” nhờ bộ đã loại bỏ nguyên nhân cá chết do yếu tố dịch bệnh, môi trường.

Theo ông, bây giờ điều cần làm rõ là chất độc nào làm cá chết: độc tố do tảo độc sinh học hay độc tố hóa học, các yếu tố kim loại nặng khác.

Trả lời câu hỏi: “đã làm hết trách nhiệm nhưng vẫn chưa xác định được nguyên nhân cá chết, như vậy đánh giá như thế nào về năng lực quản lý, chuyên môn của bộ thông qua việc cử các đoàn chuyên gia được biệt phái khảo sát về tình trạng này?”, ông Vũ Văn Tám cho rằng: “Chúng tôi đã đưa ra được nguyên nhân ban đầu cá chết không có tác nhân của dịch bệnh, cá chết do có yếu tố độc trong môi trường nước”. Vậy “yếu tố độc đó là gì?”, ông Tám nói: “Cái này cần có thời gian nghiên cứu, khi đủ căn cứ sẽ công bố”.

Vẫn những điều lòng vòng mơ hồ

Theo một văn bản báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, Formosa đã có một số vi phạm trong việc thực hiện súc rửa đường ống theo phát hiện của Tổng cục Môi trường, nhưng Formosa khẳng định chất thải vẫn đảm bảo tiêu chuẩn.

Trước câu hỏi về việc các thông số quan trắc có gì bất thường trong thời gian cá chết hàng loạt hay không, ông Võ Tá Đinh - giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh (đơn vị trực tiếp quản lý hệ thống quan trắc tự động của dự án Formosa) - cho biết Bộ Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ công bố kết quả quan trắc này.

“Việc công bố kết quả quan trắc của dự án này sẽ được thực hiện khi chúng tôi lấy được kết quả quan trắc của cả Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng và dự án Formosa để phân tích” - ông Đinh nói.



Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2016

Phong trào trữ nước ngọt ở Bến Tre

Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bến Tre khóa X được tổ chức vào ngày 5/4 để sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết Tỉnh ủy qúy I và phương hướng, nhiệm vụ qúy II/2016. Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo đề nghị các cấp ủy và đoàn thể mở đợt tuyên truyền, phát động phong trào Đồng khởi trữ nước ngọt trong dân nhằm phục vụ sản xuất, chăn nuôi và sinh hoạt trước mắt cũng như lâu dài.


Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre nhấn mạnh, hiện toàn tỉnh có hơn 600 ngàn hội viên, chiếm gần 50% dân số tỉnh Bến Tre. Do đó, việc tuyên truyền, kêu gọi người dân bảo vệ nguồn nước, trữ nước ngọt trong mùa mưa, sử dụng nước tiết kiệm… là rất thuận lợi.

Từ mùa mưa năm 2016 Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre kêu gọi, người dân trong tỉnh đều phải có ý thức trữ nước ngọt. Người làm ruộng, trồng cây ăn trái, chăn nuôi gia súc, gia cầm phải khép kín kênh rạch nội đồng, mương vườn. Riêng nước sinh hoạt, người dân cố gắng trữ được nước ngọt (nước mưa, nước sông, đào giếng tầng nông…) đủ dùng để phục vụ sinh hoạt suốt thời gian hạn mặn. Việc trữ nước ngọt phải bằng mọi cách như dùng lu, hồ xi-măng, túi nhựa…

Tình hình hạn mặn năm nay ảnh hưởng và gây thiệt hại nghiêm trọng với 15 nghìn ha lúa đông xuân thiệt hại hoàn toàn; 8.550 ha cây ăn trái giảm năng suất, sản lượng; 1.320 ha hoa màu bị chết, mất trắng; trên 98 nghìn hộ dân với khoảng 400 nghìn người thiếu nước ngọt sinh hoạt trầm trọng. Giá nước ngọt chưa xử lý từ 80 – 100 nghìn đồng/m3, thậm chí có nơi tới 200 nghìn đồng/m3.

Thứ Tư, 20 tháng 4, 2016

Thiếu nước trầm trọng ở Cà Mau

Có khoảng 6.000 hộ dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang đứng trước nguy cơ thiếu nước trầm trọng, 10.000 ha đất lúa – tôm không còn nước để tiếp tục sản xuất.



Cây ăn trái không có nước tưới, có tới 3.000 ha trong tổng số 7.000 ha hoa màu thất trắng và trên 35.000 ha tràm hoàn toàn khô nước trong tổng số 45.000 ha đất rừng tràm cạn kiệt. Điều này gây ảnh hưởng không tốt tới đời sống sinh hoạt, sức khỏe của người dân, nhất là khu vực nông thôn.


Chính quyền địa phương đang khẩn trương huy động tối đa hoạt động của các nhà máy nước tại trung tâm xã; hình thành các đội thanh niên tình nguyện chở nước về tận nơi cung cấp cho người dân; khuyến khích, động viên những hộ có giếng chia sẻ nước cho những hộ đang thiếu; tuyên truyền, vận động người dân thời điểm này không sử dụng nước để tưới tiêu mà ưu tiên dành cho sinh hoạt để khắc phục tình trạng trên. Mục tiêu đặt ra là không để trên 6.000 hộ dân nông thôn phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt.


Ở các vùng sản xuất, nơi nào còn nước thì sử dụng máy bơm bơm nước cứu lúa, hoa mầu, cây ăn trái. Riêng đối với rừng tràm U Minh Hạ thì huy động lực lượng tại chỗ vệ sinh toàn bộ các con kênh trong lâm phần để khai thông luồng để có nước chữa cháy rừng khi xảy ra cháy.

Theo dự báo, tình hình hạn hán vẫn tiếp tục, vì vậy tiết kiệm nước phải đi đôi với giải pháp sử dụng hợp lý nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt của người dân. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền các cấp tỉnh Cà Mau.